Epi #42: HÃY CHO CON NHỮNG CƠ HỘI!


Episode Artwork
1.0x
0% played 00:00 00:00
Oct 27 2022 8 mins   1

Gửi người thương của #Udoo, 

Hôm nay tụi mình lại thương gửi đến bạn một chia sẻ về sai lầm lớn nhất mà các cha mẹ đang có khi nuôi dạy con và vai trò của trí tuệ cảm xúc trong gia đình (cụ thể là cha mẹ) với sự thành công và hạnh phúc của con cái sau này. 

Trong một báo cáo của trung tâm quốc gia (Hoa Kỳ) nghiên cứu lâm sàng trên trẻ em kết luận rằng thành tích ở trường của trẻ hoàn toàn không thể ước lượng bằng lượng kiến thức hay khả năng tiếp thu của trẻ mà phải qua những chỉ dấu xúc cảm và xã hội. Các chỉ dấu đó bao gồm: sự tự tin và hứng thú, biết mình nên làm gì và cần kiềm chế các thói xấu thế nào, kiên nhẫn, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần, biết biểu đạt sự mong muốn của mình khi chơi cùng bạn bè. 

Cũng trong báo cáo này, mức độ sẵn sàng học tập của đứa trẻ bao gồm 7 thành phần cơ bản: tự tin, tò mò, chủ định, tự chủ, kết nối, giao tiếp, hợp tác. Tất cả các yếu tố này đều là những năng lực của trí tuệ cảm xúc. Nếu nhìn kỹ hơn một chút, chúng ta thấy rằng tất cả các yếu tố này đều sẽ là những nhân tố quan trọng để sau này một đứa trẻ thành công với công việc và cuộc sống cá nhân của chúng. 

Câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta là, làm thế nào mà một đứa trẻ có hay hoàn toàn không có những yếu tố kể trên? Câu trả lời là từ gia đình, chính xác là từ chính cha mẹ và các hành vi, các thói quen giao tiếp của cha mẹ với con cái. 

Dưới đây là một số ví dụ cho thấy hành vi của cha mẹ (của chúng ta đấy - chứ không phải là một ai đó) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái như thế nào. Cùng lắng nghe, bạn nhé! 

Khi một đứa trẻ liên tục nhận được những lời chỉ trích, thậm chí là những hành vi và lời nói thô bạo bất thường vì cảm xúc tiêu cực của cha mẹ, chúng sẽ hình thành tâm lý sợ hãi và bất lực. Thế giới xung quanh với chúng sẽ hoàn toàn không an toàn và hệ quả tất yếu là sự thiếu tự tin, không dám khám phá, không dám dấn thân, thu mình lại. Theo đó, những cơ hội của chúng cũng hoàn toàn biến mất. 

Trẻ không chỉ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc mà cha mẹ đối xử với chúng. Chúng còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi các hành vi và cảm xúc mà cha mẹ đối xử với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi hành động, lời nói của cha mẹ đều là những dấu ấn được ghi sâu vào não bộ của trẻ và hình thành nên những hạt giống tiêu cực hay tích cực và chỉ cần có cơ hội là sẽ bộc phát. 

Khi một đứa trẻ lớn lên, những kỹ năng về kiểm soát bản thân, sự tự tin và giao tiếp cũng bị ảnh hưởng bởi nhà trường, bạn bè nhưng sự thực thì những dấu ấn của 5 năm đầu tiên là hoàn toàn không thể thay đổi. Sự khác biệt giữa những đứa trẻ tự tin và những đứa trẻ mang tâm thế của những người thất bại được hình thành hoàn toàn ở những năm đầu đời và từ nền tảng trí tuệ cảm xúc của cha mẹ. 

Một nhóm nghiên cứu ở đại học Washington đã phát hiện ra rằng: khi cha mẹ thông tuệ về trí tuệ xúc cảm, chúng sẽ giao tiếp với cha mẹ tốt hơn, biết cách kiểm soát bản thân hơn, được bạn bè yêu mến hơn, hành vi giao tiếp tốt hơn và quan trọng nhất là kết quả học tập cũng tốt hơn. 

Khởi đầu của con cái là điểm kết thúc của cha mẹ, ý của câu này là bạn thực sự cần học cách thay đổi bản thân để cho con khởi đầu tốt hơn chứ không phải chú tâm vào việc thay đổi hành vi của con cái. "Nhìn cây sửa đất- nhìn con sửa mình" là vậy. 

Khởi đầu của một đứa trẻ không phải là kiến thức mà là từ trái tim yêu thương và hành vi của cha mẹ. Bạn thương mến, mình viết bài này dựa trên chia sẻ của Daniel Goleman trong cuốn sách trí tuệ xúc cảm và với mục đích vừa chia sẻ nhưng cũng là vừa tự răn mình và điều chỉnh mình. 

Chúng ta hãy cùng chia sẻ nội dung này nhé vì biết đâu nó chính là cánh cửa mở ra một tương lai hoàn toàn khác với chính con bạn và nhiều đứa trẻ như con bạn ở ngoài kia đấy! 

Thương chúc bạn một ngày hạnh phúc và bình an! 

From Udoo with love! 

(Ảnh từ Pixabay)