Việt Nam - Hub công nghệ cao của Đài Loan nhờ "nhân lực chuyên môn và năng lực tiếp nhận"


Episode Artwork
1.0x
0% played 00:00 00:00
Feb 03 2025 9 mins   1

Đài Loan, nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam, có gần 3.200 dự án với tổng vốn đăng ký vượt 39,5 tỷ đô la Mỹ. Năm 2023, đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam tăng gấp 4 lần so với năm 2022, đạt 2,2 tỷ đô la Mỹ (1) do các doanh nghiệp Đài Loan rời Hoa lục để tránh hệ quả căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Từ một nước gia công các mặt hàng truyền thống, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho dòng vốn FDI Đài Loan vào lĩnh vực công nghệ cao.

Sự dịch chuyển rõ nét nhất là chuỗi cung ứng của Apple được các đối tác Đài Loan đưa sang Việt Nam với 9 dự án đầu tư mới (1,7 tỷ đô la) và 7 dự án mở rộng quy mô đầu tư (2,6 tỷ đô la trong năm 2023), theo chuyên gia của Chứng khoán Rồng Vàng (VDSC). Foxconn Technology Group đầu tư thêm vào hoạt động ở tỉnh Bắc Giang, Quanta Computer xây nhà máy đầu tiên ở Nam Định, BOE Technology và Biel Crystal đều có kế hoạch đầu tư vào nhà máy ở miền bắc Việt Nam.

Theo báo chí Việt Nam, các nhà đầu tư Đài Loan có “khẩu vị” đa dạng (2). Khoảng 80% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, lĩnh vực xây dựng và bất động sản, cùng nhiều ngành nghề khác… Tuy nhiên, từ năm 2019, thị phần của các ngành công nghệ cao, công nghiệp điện tử, đặc biệt là chip bán dẫn, ngày càng lớn trong FDI của Đài Loan vào Việt Nam.

Vậy sự thay đổi này bắt nguồn trong bối cảnh nào ? Việt Nam và Đài Loan có những lợi ích gì ? Dưới đây là phần giải thích của thông tín viên Nguyễn Giang tại Đài Bắc.


Đài Loan bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ khi nào ? Các nhà đầu tư Đài Loan có chiến lược đầu tư như thế nào vào Việt Nam hiện nay ?

Nguyễn Giang : Đài Loan vào Việt Nam đầu tư rất sớm, nếu không nói là một trong hai nơi xuất xứ đầu tiên của nguồn vốn FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp), gồm Đài Loan và Singapore, vào khu vực kinh tế phía Nam của Việt Nam, ngay sau khi có Luật đầu tư được thông qua năm 1987, có hiệu lực từ 1988.

Các tài liệu của Đài Loan như “TAEF Research: The Image of Taiwan and Taiwanese Businesses in Vietnam”nói rằng từ 1988 đến 2000, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam tổng trị giá các dự án là 31,2 tỷ đô la Mỹ. Trong khoảng thời gian này, cơ cấu đầu tư có sự dịch chuyển qua hai giai đoạn. Ban đầu là các ngành cần nhiều nhân công như may mặc, giày dép, đồ gỗ, chế xuất thực phẩm. Sau đó là giai đoạn hai, Đài Loan đầu tư vào các ngành có giá trị cao hơn như điện tử, bán lẻ, giao thông vận tải, và cả dịch vụ y tế ở Việt Nam.

Những năm gần đây, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam bước sang giai đoạn thứ ba, gồm công nghệ cao, dịch vụ tài chính, chuyên khoa y tế và đây là chiến lược được chính phủ ủng hộ, với chính sách Hướng Nam mới từ gần 10 năm qua đang phát huy tác dụng.

Về cách đi của Đài Loan thì có thể thấy như sau. Việc chọn Việt Nam ở hai giai đoạn đầu là cách các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan có thể tiếp cận một thị trường khá gần và lớn hơn gấp 4 lần về dân số, và so với Việt Nam thì trình độ phát triển của Đài Loan cao hơn nên vẫn có ưu thế. Khi đó, người ta nói về sự phân khúc thị trường Việt Nam cho ba nhà đầu tư Đông Á : Nhật Bản bỏ tiền vào xây dựng cơ sở hạ tầng, Hàn Quốc xây cao ốc, siêu thị còn Đài Loan đầu tư vào ngành chế xuất, với tầm vóc các doanh nghiệp xứ Đài nhỏ hơn Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhưng sang giai đoạn thứ ba, sự có mặt của các công ty công nghệ cao của Đài Loan như Foxconn, Compal, Pegatron, Wistron và Qisda đem lại một chất lượng mới cho đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Sang giai đoạn ba thì đầu tư công nghệ cao sang Việt Nam là một lối thoát cho kinh tế Đài Loan. Truyền thông Đài Loan còn nói về mối liên hệ đặc biệt mang tính gia đình là có ít nhất hơn 100 nghìn người Việt Nam đã kết hôn với người Đài Loan, tạo điều kiện cho giao lưu giữa hai xã hội. Số sinh viên, nhà nghiên cứu Việt Nam học, làm việc ở các đại học Đài Loan nay lên tới hàng chục nghìn và có những người đã làm việc trong các phòng thí nghiệm công nghệ cao, đóng góp vào nguồn nhân lực Đài Loan đang thiếu.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, chip bán dẫn Đài Loan đã chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Việt Nam có phải là một đối tác mà Đài Loan có thể hoàn toàn tin tưởng không, trong khi Hà Nội khẳng định “kiên định thực hiện chính sách “Một nước Trung Quốc” và Bắc Kinh liên tục đe dọa và chưa bao giờ từ bỏ ý định thống nhất với hòn đảo, kể cả phải dùng đến vũ lực ?

Nguyễn Giang : Quan hệ với Trung Quốc căng thẳng từ khi tổng thống của đảng Dân Tiến, bà Thái Anh Văn lên cầm quyền nhiệm kỳ đầu năm 2008. Đến năm 2016 Đài Loan đưa ra chính sách Hướng Nam Mới, đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam và 17 nước khác ở Đông Nam Á, Nam Á và châu Đại Dương để giảm dần đầu tư vào Trung Quốc.

Trang Taiwan Panorama trong một bài hôm 23/11/2023 cho rằng Đài Loan hiện có 80 nghìn doanh nhân ở Việt Nam, làm việc trong 4.000 công ty, với vốn đầu tư trực tiếp 400 tỷ đô la Đài Loan và nếu tính các nguồn đầu tư tiền Đài Loan gián tiếp qua những quỹ khác thì con số có thể lên tới 600 tỷ đô la Đài Loan.

Đúng là các đại công ty công nghệ Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan và cả của Nhật Bản cần tìm kiếm các thị trường bên ngoài Trung Quốc để “không bỏ trứng vào một giỏ” khi Trung Quốc bị Hoa Kỳ đe dọa áp thuế quan cao trong nhiệm kỳ hai của tổng thống Donald Trump.

Chính sách “Một nước Trung Hoa” mà Việt Nam tuyên bố tôn trọng không phải là yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế với Đài Loan vì bản thân Trung Quốc cũng nhận nhiều tỷ đô la Mỹ đầu tư của Đài Loan. Tập đoàn Foxconn thuê 1 triệu nhân công ở Trung Quốc. Tất nhiên chưa ai rõ là việc Việt Nam trở thành một điểm đến quan trọng của chính sách “Trung Quốc + một” (phân tán nguồn đầu tư ra khỏi Trung Quốc mà nhiều đại công ty đang làm) có khiến nước này bị chính quyền Trump 2.0 áp thuế quan cao hay không.

Liệu cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn nhân lực ở Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các “đại gia” Đài Loan về chip bán dẫn ?

Nguyễn Giang : Chúng ta chỉ có thể suy ra từ các sự kiện và phát biểu của giới chuyên gia công nghệ cao về vấn đề này. Với chuyến thăm đầu tháng 12/2024 tới Hà Nội của ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân, tỷ phú Mỹ người gốc Đài Bắc), giám đốc điều hành tập đoàn Nvidia, thì khả năng đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gần với hiện thực. Dù Nvidia là công ty Mỹ nhưng họ chủ yếu dùng semiconductor tức công nghệ bán dẫn của TSMC, tập đoàn lớn nhất Đài Loan. Nvidia đã ký kết hợp tác thiết lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cùng một trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. Ngoài lý do địa chính trị và thương chiến Mỹ-Trung thì rõ ràng là các “đại gia” công nghệ Đài Loan hoặc gốc Đài Loan như ông Jensen Huang phải có đánh giá riêng về chuyên môn để chọn Việt Nam.

Tại một hội nghị về công nghệ cao ở Đài Bắc ngày 14/11/2024 mà tôi được mời tham dự, có diễn giả, giáo sư Roger Liu, người Mỹ gốc Đài hiện làm nghiên cứu về các ngành kinh tế công nghệ cao ở Đại học Tôn Trung Sơn tại Cao Hùng. Ông đã trình bày một khảo sát thu thập ý kiến trong giới lãnh đạo ngành công nghệ cao Hàn Quốc và Đài Loan. Khảo sát nói rằng bên ngoài khu vực Đông Bắc Á thì trong ASEAN chỉ có “các kỹ sư Việt Nam là lực lượng chuyên gia đủ về con số và đạt năng lực sẵn sàng đón nhận công nghệ AI và semiconductor ở tầm vóc lớn”.

Việt Nam được lợi như thế nào khi hợp tác với Đài Loan trong lĩnh vực chip bán dẫn, ngoài việc gia công ?

Nguyễn Giang : Trong hội thảo ở Đài Bắc mà tôi có tham dự thì một bài thuyết trình khác của đại diện Nhật Bản nói Việt Nam sẽ là điểm đến cho công nghệ AI và tự động hóa trong tương lai gần. Cũng theo thông tin từ hội thảo này, hiện trên cả thế giới đang có 108 nhà máy chế tạo các sản phẩm semiconductor và AI-automation (tự động hóa dùng trí tuệ nhân tạo) chuẩn bị đưa vào vận hành năm 2027. Trong số đó, châu Á đang có 78, Hoa Kỳ có 18 và châu Âu (gồm cả Anh) gộp lại với Trung Đông (gồm có Israel) chỉ có 12 nhà máy. Sự vượt trội của vùng Đông Á trong công nghệ này đang là thách thức cho châu Âu, nhất là Liên Hiệp Châu Âu.

Được biết Hàn Quốc cũng muốn đưa một phần công nghệ AI sang Việt Nam vì dù hiện Việt Nam chưa có các cơ sở nghiên cứu như Singapore nhưng về nguồn nhân lực chuyên môn thì lại đông đảo hơn, và nếu tính tới việc áp dụng AI trong y tế, thì dân số 100 triệu của Việt Nam là thị trường tốt cho việc triển khai rộng trí tuệ nhân tạo trong ngành y, hay “medical AI”.

Điểm lợi cho Việt Nam là một khi đã đặt chân vào chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu mà khu vực Đông Á đang dẫn đầu thế giới thì cơ hội nâng đẳng cấp nền kinh tế của Việt Nam sẽ lớn hơn. Công nghệ AI còn đem lại lợi tích kinh tế lớn.

Tất nhiên tất cả còn phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ và khả năng điều hành của bộ máy chính quyền, có dám tạo ra các khu vực công nghệ mang tính đột phá hay không.

*****

(1) (2) VnEconomy, "Việt Nam là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư từ Đài Loan", 15/08/2024.