Hai tháng cầm quyền đầu tiên của Trump: « Cờ vua » Mỹ đọ « cờ vây » Trung Quốc ?


Episode Artwork
1.0x
0% played 00:00 00:00
Apr 03 2025 9 mins   2

Sự trở lại cầm quyền của Donald Trump tại Mỹ đặt thế giới trước tình trạng bất định cao độ. Nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của ông Trump (2017-2021) in dấu ấn với nhiều chính sách táo bạo bất ngờ, được quảng bá có nhiều triển vọng, nhưng rút cuộc bất thành, như vụ đàm phán vũ khí hạt nhân với Bắc Triều Tiên, chính sách đơn phương áp thuế với Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại...

Cũng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, giấc mơ « một quốc gia hai chế độ » với Hồng Kông chấm dứt, đặc khu trở lại dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Nhiệm kỳ 2.0 của Donald Trump mở đầu với các chính sách còn quyết liệt hơn gấp bội nhiệm kỳ thứ nhất, với các tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraina « trong 24 giờ », hay tuyên bố đánh thuế « đối ứng » với toàn thế giới (tức sắc thuế mang tính trả đũa, ăn miếng trả miếng), hủy diệt nền móng của hệ thống thương mại thế giới dựa trên đàm phán thỏa hiệp, được định hình từ Thế chiến Hai.

Cho dù có nhiều khác biệt rất lớn trong chính sách, nếu không nói là gần như đối nghịch trong nhiều lĩnh vực, đối thủ số một của tổng thống Trump - tương tự như các chính quyền tiền nhiệm - vẫn là Trung Quốc, được coi là có thể vươn lên soán ngôi siêu cường số một của Mỹ. Hai tháng cầm quyền đầu tiên của Trump cho thấy gì về chiến lược của Washington và Bắc Kinh ?

Những màn nắn gân

Ông Donald Trump mở đầu nhiệm kỳ 2 với phong cách mang tính « giao dịch » của thương nhân như lần trước, để ngỏ cơ hội siết chặt quan hệ cá nhân với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Phá lệ, tổng thống đắc cử Donald Trump mời lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ nhậm chức ngày 20/01. Chủ tịch Trung Quốc rút cục đã cử « đại diện đặc biệt » là phó chủ tịch Hàn Chính (Han Zheng) thay mặt.

Tỏ ra hồ hởi với Tập Cận Bình, nhưng Trump cũng ngay lập tức đe dọa sẽ cứng rắn về thương mại để buộc Bắc Kinh phải có các nhân nhượng. Trung Quốc, cùng Mêhicô và Canada, là những nước đầu tiên mà chính quyền Trump đe dọa tăng mạnh thuế hải quan. Không có tín hiệu nhân nhượng từ Bắc Kinh, Trump áp thuế bổ sung 20%.

Cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng cùng lúc Donald Trump hy vọng sớm dàn xếp để có được một cuộc hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc. Cuộc điện đàm đầu tiên dự kiến giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi Trump nhậm chức đầu tháng 2/2025 bị hủy, sau khi Trung Quốc áp đòn thuế trả đũa. Theo nhà ngoại giao Wendy Cutler, nguyên phó Đại diện Thương mại Mỹ thời Obama, phó chủ tịch tư vấn viện tư vấn Asia Society, « không có gì ngạc nhiên nếu ta thấy Trump gặp Tập Cận Bình trong những tháng tới ». Nhưng theo bà, « Trung Quốc sẽ muốn có rất nhiều đảm bảo trước bất kỳ cuộc họp nào như vậy, bởi họ sẽ không muốn lãnh đạo của họ bị đặt tình thế phải xấu hổ, bị làm nhục, hoặc phải chịu những đòi hỏi mới », « chủ tịch Tập Cận Bình là một lãnh đạo độc đoán của một quốc gia mà việc ông ấy được Đảng, quân đội và dân chúng nhìn nhận như thế nào là rất quan trọng. Tôi nghĩ ông ấy không thể để mất mặt » (bài « Why Isn’t China Playing Trump’s Game ? Beijing has opted for defiance instead of flattery. Will the strategy backfire? » (Tại sao Trung Quốc không chơi trò của Trump? Bắc Kinh đã chọn thách thức thay vì nịnh hót. Liệu chiến lược này có phản tác dụng ?) Foreign Policy, 7/3/2025 )

Trump cờ vua, Tập cờ vây: « Lửa » chọi với « Nước » ?

Nhận định về chính sách của tổng thống Mỹ là điều không dễ dàng, do các phát biểu đầy mâu thuẫn và mang tính cá nhân cao độ của Donald Trump, theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát. Tuy nhiên, so sánh hành xử của Trump và lãnh đạo Bắc Kinh có thể cho phép rút ra một số sắc thái đáng chú ý. Chuyên gia về Trung Quốc André Chieng, trong cuộc trao đổi với nhà chính trị học Pascal Boniface, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nhận định tổng thống Mỹ chọn chiến lược « cờ vua » với « những nước đi thần tốc » trong lúc Tập Cận Bình chơi « cờ vây », trò chơi lâu đời của người Hoa khuyến khích lối hành xử thiên về kiên nhẫn. Ông André Chieng giải thích:

« Điều mà tôi nhận thấy là Trump chơi cờ vua. Cờ vua là trò chơi mà các quân cờ chuyển động rất nhiều, và trong nhiều ván cờ, các nước cờ diễn ra một cách mau lẹ nhất có thể. Luôn luôn có sự chuyển động mạnh. Điều được ngưỡng mộ trong trò chơi này là những nước cờ tấn công. Người Trung Quốc không chơi cờ vua, họ chơi cờ vây. Cờ vây lấy kiên nhẫn làm thế mạnh. Trong trò chơi này không có nhiều chuyển động. Đây là trò chơi với các quân cờ có giá trị ngang nhau và cái đích của cuộc chơi là chiếm lĩnh được nhiều không gian.

Như vậy chúng ta có ấn tượng là trong cuộc cờ đang diễn ra trên thế giới hiện nay, hai đối thủ, Mỹ và Trung Quốc, không chơi cùng một trò. Trump chơi cờ vua, người Trung Quốc chơi cờ vây. Người Trung Quốc đi theo chiến lược, mà người ta thường gọi là chiến lược của NƯỚC. Đây là một nhận định mà ta có thể thấy trong Đạo Đức Kinh, cuốn sách kinh điển của Đạo Lão, tương truyền của Lão Tử. Trong cuốn sách này, có một câu nói lạ thường. Lão Tử nói : ‘‘Thiên hạ mạc nhu nhược vu thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng’’ (nghĩa là : Không có gì yếu hơn nước và không có hình thù hơn nước, nhưng cũng không có gì kháng cự lại được nước’’). Diễn đạt này đã được Lý Tiểu Long (Bruce Lee) sử dụng để mô tả về võ thuật Trung Hoa.

Đây chính là hành xử của Trung Quốc : Mỗi khi Mỹ rút khỏi một vị trí nào đó thì Trung Quốc trám chỗ. Điều này đúng với trường hợp Mỹ cắt giảm các hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế USAID, hay Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới. Chúng ta có thể nêu ra hàng loạt ví dụ về việc Trung Quốc chiếm lĩnh một cách lặng lẽ và bình thản các vị trí mà Hoa Kỳ bỏ trống. »

Trung Quốc : Chờ đợi, giảm thiệt hại trong « bối cảnh hỗn loạn » và ra đòn có trọng điểm

Chuyên gia André Chieng là công dân Pháp, sinh tại Marseille. Cha mẹ ông là người Hoa. Ông là người sáng lập và chủ tịch hiệp hội thương mại Âu – Á (AEC - Asiatique Européenne de commerce) từ năm 1988 và là phó chủ tịch Comité France-Chine, hiệp hội các doanh nghiệp Pháp chuyên thúc đẩy các quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Từ năm 2001, André Chieng định cư tại Trung Quốc. Giải thích cụ thể hơn về chiến lược hành xử của Bắc Kinh trong giai đoạn hai tháng cầm quyền đầu tiên của Donald Trump, ông André Chieng nhận định:

« Phản ứng của phía Trung Quốc thiên về chừng mực. Trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung, lợi thế tất nhiên thuộc về phía Mỹ. Đơn giản bởi vì Mỹ nhập khẩu đến 400 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, trong lúc Trung Quốc chỉ nhập của Mỹ khoảng 100 tỉ đô la. Trung Quốc có nhiều cái để mất hơn là Mỹ. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, ngay hôm sau ngày Mỹ áp thuế mới, ta thấy điều thú vị là các biện pháp trả đũa rất đa dạng.

Bắc Kinh không chỉ có một loại vũ khí, khác với Trump chỉ có một vũ khí là tăng thuế hải quan. Trung Quốc có hàng loạt biện pháp. Một mặt, họ tăng thuế với một số mặt hàng, chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp, tức đánh vào một nhóm cử tri bỏ phiếu cho Trump. Bên cạnh đó là các biện pháp khác, như cấm vận một số mặt hàng, cụ thể là đất hiếm, như gallium, germanium… Lợi thế của Trung Quốc là nắm độc quyền về nhiều loại đất hiếm.

Để thấy được tác động của các biện pháp chọn lọc của Trung Quốc, tôi lấy ví dụ về Skydio, công ty lớn này vốn rất ít được công chúng biết đến. Đây là công ty sản xuất drone quan trọng nhất của nước Mỹ, chuyên cung cấp cho quân đội Mỹ và quân đội Israel. Từ khoảng 6 tháng nay, hoạt động của Skydio bị đình trệ, do thiếu đi một loại bình điện được sản xuất tại Trung Quốc.

Một loại biện pháp trả đũa thứ ba là Bắc Kinh khởi động vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Google. Biện pháp này bị coi là khó hiểu, bởi Google bị cấm hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ kiện này là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể khởi kiện chống độc quyền, không phải nhắm vào Google, nhưng là vào hai tập đoàn Tesla và Apple, mà Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai. Nếu hai tập đoàn lớn nhất trong số 7 tập đoàn của Mỹ mất thị trường Trung Quốc, thì đây quả là tai hại đối với thị trường tài chính Wall Street. Những đòn trả đũa của Trung Quốc có vẻ nhỏ nhẹ, nhưng là những tín hiệu cho thấy, nếu Trump ra đòn quá mạnh thì Mỹ có thể gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn Trung Quốc ».

Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ Jude Blanchette, giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á của RAND (Research And Development – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển), chuyên tư vấn cho Quân đội Mỹ, tuy quan hệ Mỹ - Trung có thể được nhiều người kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn giảm căng thẳng về thương mại và quân sự nhờ một « thỏa hiệp lớn » giữa Trump và Tập, nhưng sự ngờ vực cao độ giữa hai bên có thể chuyển thành thế đối đầu ngày càng gia tăng. Jude Blanchette nhấn mạnh đến việc Trung Quốc chọn hành xử thận trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại trong « tình trạng hỗn loạn » hiện nay (bài « China Sees Opportunity in Trump’s Upheaval » (Trung Quốc nhìn thấy cơ hội trong cuộc đảo lộn của Trump), Foreign Affairs, ngày 27/03/2025).

Sách lược « bất nhất » và hung bạo của Trump đẩy nhiều đồng minh về phía Trung Quốc

Đối đầu giữa khối « phương Tây » và Trung Quốc hiện rõ tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao, (Boao), Hải Nam, năm nay (25-28/03/025). Tham gia « Davos châu Á » lần này chỉ có một đại diện có tầm cỡ thuộc khối « phương Tây », là cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại và công nghệ với Mỹ lơ lửng trên đầu Bắc Kinh, Trung Quốc nắm giữ lợi thế là nằm ở trung tâm khu vực tăng trưởng cao nhất hành tinh.

Sự rút lui của Mỹ khỏi nhiều định chế quốc tế, khỏi các quyền lực mềm (soft power) nói chung, cùng các đe dọa đi kèm hành động phá vỡ hệ thống thương mại quốc tế, rõ ràng đã biến Washington trở thành thủ phạm trực tiếp của tình trạng hỗn loạn, đầy bất trắc hiện nay trước mắt thế giới. Tình hình này đang mang lại lợi thế cho Trung Quốc. Trong bài diễn văn thường niên đầu tháng 3, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tuyên bố : « Thế giới đang trong giai đoạn đảo lộn, chỗ dựa vững vàng đáng tin cậy ngày càng trở nên hiếm hoi… Chúng tôi sẽ dùng chỗ dựa vững vàng đáng tin cậy của Trung Quốc để bình ổn thế giới đầy bất trắc hiện nay ».

Trung Quốc không chỉ hành xử với sách lược uyển chuyển như nước, mà có cao vọng trở thành núi Thái Sơn của thế giới. Trong lúc Trump dựng hàng rào thuế quan chống tất cả thế giới, không loại trừ đồng minh, Bắc Kinh mở vòng tay với hai đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Trung Quốc cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm đến một phần tư khối lượng kinh tế toàn cầu và 20% trao đổi thương mại thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao, phía Trung Quốc cổ vũ cho việc Bắc Kinh xích lại gần Seoul và Tokyo. Ngày 30/03, bộ trưởng công nghiệp và thương mại ba nước Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc lần đầu tiên gặp nhau kể từ năm 2020. Sau cuộc họp khẩn này, ba bên đã đồng thuận tái thúc đẩy một thỏa thuận tự do mậu dịch.

« Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Tạm thời » của Mỹ : Đài Loan và Nhật Bản ở tuyến đầu

Tổng thống Donald Trump, trên thực tế, cho dù có những hành xử thô bạo, tiền hậu bất nhất trong nhiều chuyện, nhưng xét về chiến lược toàn cầu, Trump vẫn đang thực thi chính sách xoay trục sang châu Á, trung tâm kinh tế thế giới, chính sách vốn được khởi động từ thời Obama. Có điều chính quyền Trump dường như quyết định dồn toàn lực sang châu Á, bỏ hẳn an ninh châu Âu cho người châu Âu tự lo, kể từ giờ, chiến tranh Ukraina và đe dọa Nga là việc của châu Âu.

Hơn hai tháng sau khi Trump trở lại nắm quyền, lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth được cử đi châu Á. Đúng vào thời điểm chuyến công du này, báo Mỹ đăng tải bản « Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Tạm thời » (Interim National Defense Strategic Guidance) của bộ trưởng Quốc Phòng. Văn bản chiến lược quốc phòng lưu hành nội bộ này nhấn mạnh đến ưu tiên số một là « ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan và củng cố quốc phòng nội địa ».

Văn bản này được một số chuyên gia cho rằng đã là một nguyên nhân khiến Trung Quốc giận dữ bất ngờ tổ chức cuộc tập trận đạn thật oanh kích « các cơ sở hàng hải và năng lượng chiến lược » của Đài Loan. Trung Quốc đã cực lực lên án văn bản của bộ Quốc Phòng Mỹ. Tờ Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ trích Washington thổi bùng điểm nóng Đài Loan, đồng thời vạch ra những khác biệt lớn giữa quan điểm của tổng thống Trump, né tránh vấn đề Đài Loan, và quan điểm của bộ Quốc Phòng, coi Đài Loan là vấn đề trọng tâm.

Tình trạng nhiều liên minh với Mỹ tại châu Á, được lập ra dưới thời Biden để ngăn chặn Trung Quốc, bị chính sách của Trump hủy hoại gây khó khăn cho mặt trận đoàn kết ngăn chặn các tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Chuyên gia André Chieng bày tỏ: « Nếu so sánh chính sách của Trump với người tiền nhiệm, ta thấy chính sách của Biden hiệu quả hơn. Chúng ta nhớ rằng Biden đã thiết lập được một loạt cơ chế liên minh để chống lại Trung Quốc : liên minh AUKUS với Anh và Úc, liên minh QUAD với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc… Nhờ vậy rút cục đã bao vây được Trung Quốc, thông qua sự phối hợp với các quốc gia đồng minh. Biden đã đặc biệt thành công trong việc hòa giải Nhật Bản với Hàn Quốc, hai nước vốn có bất hòa sâu sắc từ thời Thế chiến Hai với hồ sơ ‘‘phụ nữ giải sầu’’ (phụ nữ bị buộc phải phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật), thúc đẩy Nhật – Hàn tham gia vào liên minh với Mỹ. Trong khi đó, Trump trong vòng một hai tháng đã phá hủy tất cả các thành quả như vậy. »

Đài Loan ở tuyến đầu : Trump có đáng tin ?

Sau hai tháng cầm quyền đầu tiên của ông Trump, Đài Loan dường như đang dần được xác định sẽ là tâm điểm của cuộc đối đầu Mỹ - Trung về an ninh. Trong chuyến công du châu Âu lần đầu tiên của bộ trưởng Quốc Phòng dưới thời Trump, một điểm đáng chú ý là lãnh đạo quốc phòng hai nước dự lễ tưởng niệm các binh sĩ Mỹ - Nhật tử trận trong một trận chiến khốc liệt thời Đệ Nhị Thế Chiến, dấu hiệu cho thấy quan hệ siết chặt.

Ngày 30/03, Mỹ - Nhật thỏa thuận tiếp tục dự án, từ thời Biden, nâng cấp trụ sở Lực lượng Mỹ tại Nhật thành sở chỉ huy song phương (joint force headquarters), để tăng cường thế trận răn đe Mỹ - Nhật, đặc biệt tại khu vực tây nam Nhật Bản, với trọng tâm là Đài Loan. Hợp tác quân sự Mỹ - Nhật được tái khởi động dưới thời Trump có đủ giúp Washington khắc chế được các tham vọng quân sự của Bắc Kinh tại khu vực ?

Chính sách bất nhất của chính quyền Trump nói chung, về Đài Loan nói riêng, đang gây nhiều lo ngại. Chính quyền Trump có thực sự nỗ lực vì an ninh của Đài Loan ? Trump có chủ trương thổi bùng căng thẳng như Bắc Kinh cáo buộc ? Liệu một chính quyền sẵn sàng chà đạp các giá trị, làm nền tảng cho các liên minh vững chắc, có đáng tin cậy ?Liệu hòn đảo có nguy cơ chịu cùng cảnh ngộ như Ukraina hay không ? Đây là những câu hỏi mà không ít người đặt ra.